Tại sao phải tập đọc - dịch?
Mỗi bài học Ngữ pháp theo Quy luật luôn có 1 bài tập đọc và dịch nghĩa câu. Bạn có thắc mắc tại sao mình lại phải làm đi làm lại dạng bài tập này không?
Học Ngữ pháp theo Quy luật là học Quy luật Ngữ pháp trong các tình huống (hay còn gọi là ngữ cảnh) cụ thể. Ví dụ, khi gặp 1 tình huống, chúng ta đặt ra câu hỏi “cần dùng dạng động từ nào (Thì nào) để diễn tả?”. Sau đó là quá trình phân tích ngữ cảnh để xác định dạng đúng của Động từ. Bằng cách đó, ta sẽ rút ra cho mình quy luật để áp dụng cho các tình huống tương tự về sau.
Ngoài ra, nếu ta gặp càng nhiều tình huống thì ta sẽ càng mở rộng vốn từ và cách diễn đạt. Mục tiêu học ngôn ngữ chính là ngày càng mở rộng vốn từ và cách diễn đạt suy nghĩ bằng ngôn từ. Như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để ta gặp càng nhiều tình huống càng tốt. Câu trả lời tốt nhất có lẽ là ĐỌC.
Nếu nhìn vào quá trình cải thiện tiếng Việt của bản thân, chúng ta cũng sẽ thấy một tiến trình tương tự. Từ cấp tiểu học chúng ta đã được yêu cầu phải tập đọc, học thuộc lòng và kể chuyện. Lớn hơn, chúng ta phải đọc và cảm thụ văn học. Tất cả nhằm mở rộng vốn từ, năng lực cảm thụ nghĩa và khả năng diễn đạt suy tư thành lời. Thực tế cho thấy ai càng đọc nhiều thì sẽ càng viết hay, ngược lại, ai viết hay thì nhất định phải đọc rất nhiều.
Đọc là kỹ năng phải rèn luyện khi học bất kỳ ngôn ngữ nào. Đọc cũng là kỹ năng phải có cho sự học trọn đời. Khi xác định đó là việc phải làm thì chúng ta hãy vui vẻ thực hiện. Mới đầu có thể sẽ chán một chút, thậm chí là nhiều chút nhưng dần dần, khi đã quen, thì sẽ thấy đọc là niềm vui, một niềm vui khó diễn tả bằng lời.
Dưới đây, xin chia sẻ với bạn lời khuyên của Giáo sư John Vũ về phát triển kỹ năng đọc cho học sinh. Giáo sư John Vũ (Nguyên Phong) là tác giả/dịch giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như Muôn Kiếp Nhân Sinh, Hành Trình Về Phương Đông, Kiến Tạo Thế Hệ Việt Nam Ưu Việt, ...
Khi tôi nghĩ về kĩ năng đã giúp tôi trong cuộc sống của tôi, đó là đam mê đọc. Khi tôi còn trẻ, tôi thích đọc sách qua đó tôi đã biết được nhiều điều. Tôi nghĩ mọi trẻ em đều phải đọc nhiều hơn điều nhà trường yêu cầu. Ở mức tiểu học, lời khuyên của tôi với các thầy cô là khuyến khích học sinh phát triển đam mê đọc vì đó là cách tốt nhất để phát triển kĩ năng tự học và chung cuộc trở thành người học cả đời.
Sách nên là nguồn quan tâm chính cho mọi học sinh vì chúng sẽ tìm thấy điều chúng thích và liên tục học thêm. Thầy cô giáo và bố mẹ nên giúp chúng tìm ra mối quan tâm riêng của chúng bằng việc cho phép chúng đọc nhiều sách nhất có thể được. Sách cho phép trẻ em thám hiểm nhiều thứ và làm giàu cho cuộc sống của chúng với những cuộc phiêu lưu, tri thức khoa học, và ngay cả nghề nghiệp. Khi tôi còn đi nhà trẻ, tôi đã muốn thám hiểm để tìm khủng long rồi đến năm lớp ba, tôi muốn là thầy giáo vì tôi nhìn tới nhiều người trong số họ và ngưỡng mộ họ. Ngày nay có nhiều sách sẵn có cho trẻ nhỏ và tôi khuyến khích các bố mẹ để cho chúng truy nhập vào nhiều chủ đề nhất có thể được. Trong tương lai gần, mọi học sinh đều cần biết ít nhất một ngoại ngữ cho nên để học sinh tiểu học bắt đầu đọc sách song ngữ có thể giúp chúng học ngoại ngữ nữa.
Ba thế kỉ trước, triết gia Joseph Addison đã viết: “Việc đọc dành cho tâm trí như tập thể dục dành cho thân thể.” Ngày nay khoa học hiện đại đã chứng minh rằng việc đọc làm tăng luồng máu lên não và làm tăng kết nối thần kinh, điều thường được liên kết với trí nhớ và thông minh. Độ tuổi giữa ba và bảy là thời gian não của trẻ em đang phát triển cho nên để chúng đọc nhiều có thể có ưu thế lớn cho việc học của chúng về sau. Vào độ tuổi này, trẻ em cũng phát triển năng lực nói đầy đủ và việc đọc có thể cải thiện kĩ năng trao đổi nói chuyện của chúng vì nó làm tăng vốn từ vựng và tri thức về cách dùng đúng các từ mới, và nói lưu loát rõ ràng điều chúng muốn nói. Tri thức chúng thu được từ việc đọc cũng cho chúng nhiều điều để nói chuyện với những người khác. Trẻ em đọc nhiều thường có nhiều ý nghĩ sâu sắc hơn trong đối thoại của chúng khi so sánh với những trẻ ít đọc.
Khi trẻ em đọc, não của chúng hấp thu nhiều từ vựng và đánh vần. Những từ mới xuất hiện trong hoàn cảnh tự nhiên và chúng có thể suy diễn nghĩa từ những từ xung quanh, trong khi ghi dấu ấn trực quan lên việc đánh vần của chúng để nhớ lại chính xác. Ngày nay nhiều trẻ em không đọc mấy nhưng dùng phương tiện công nghệ như trò chơi video, và phát triển thói quen xấu về việc có thông tin tức khắc, khoảng chú ý của chúng thu ngắn lại và giận dữ thường tăng lên, điều tạo ra hành vi xấu. Việc đọc cuốn sách buộc chúng tập trung và chăm chú vào chi tiết thì bộ não của chúng hình thành nên kết nối sâu và tập trung, điều dẫn chúng tới việc phát triển kiên nhẫn hơn và bình thản hơn nhiều.
Là thầy cô giáo, lời khuyên tốt nhất bạn có thể cho trẻ em và bố mẹ chúng là khuyến khích chúng đọc nhiều hơn và phát triển thói quen đọc tốt.