Chuyện học Tiếng Việt và bài học với Tiếng Anh
Trước khi đến trường học lớp Một, trẻ em nói chung đều thạo tiếng Việt, thậm chí thời nay nhiều em còn biết đọc, biết viết, thế nhưng các em cũng vẫn cứ phải học môn Tiếng Việt, tại sao vậy?
Hiểu biết tiếng Việt của trẻ em trước thời kỳ 6 tuổi mang tính kinh nghiệm. Trình độ kinh nghiệm đó tương đương với thời kỳ tư duy tiền khoa học của loài người. Nhiệm vụ của Giáo dục là giúp trẻ em khi đã đến trường thì trút bỏ được cái tư duy cụ thể đó để chuyển sang thời kỳ tư duy cụ thể – trừu tượng, và sau đó nữa thì dứt khoát đạt tới giai đoạn tư duy trừu tượng (ba thời kỳ theo sự phân chia của Gaston Bachelard).
Trẻ em học môn Tiếng Việt ở bậc học Tiểu học là để có một tư duy khoa học (ngôn ngữ học) đối với tiếng Việt. Cái tư duy đó sẽ được hình thành dần nhờ được trang bị công cụ học ngôn ngữ để tự mình làm chủ các đối tượng ngữ âm và ngữ nghĩa của tiếng Việt.
Con đường đi qua các giai đoạn (các lớp) như sau:
– Lớp Một: Làm chủ ngữ âm, có kỹ năng tương đối thành thạo về đọc và ghi âm tiếng Việt, các mặt ngữ nghĩa và cú pháp vẫn sử dụng theo kinh nghiệm đã có.
– Lớp Hai: Làm chủ từ vựng, có kỹ năng tương đối thành thạo trong việc tạo ra và tìm nghĩa từ tiếng Việt, các mặt cú pháp vẫn sử dụng theo kinh nghiệm đã có.
– Lớp Ba: Làm chủ cú pháp, có kỹ năng tương đối thành thạo trong việc tạo ra và dùng câu tiếng Việt.
– Lớp Bốn: Làm chủ văn bản tiếng Việt, có kỹ năng tương đối thành thạo trong việc tạo ra và dùng các đoạn văn tiếng Việt (thể loại phi hư cấu), tiến lên tạo ra và dùng bài văn tiếng Việt.
– Lớp Năm: Làm chủ các hoạt động ngôn ngữ đa dạng trong đời sống (các hội thảo của lớp hoặc của trường, các quan hệ ngôn ngữ bằng văn bản với xã hội, các phong cách ứng xử ngôn ngữ…)”
Kết thúc bậc Tiểu học, sang tới bậc Trung học, học sinh đã có đủ năng lực ngôn ngữ để cảm thụ một văn bản. Khi đó, học sinh được học môn Ngữ văn để có năng lực cảm thụ nghệ thuật thông qua ngôn ngữ viết.
Các giai đoạn dạy và học này rất là logic khoa học. Nhưng nó thường bị bỏ qua khi áp dụng cho dạy môn Tiếng Anh. Nhiều học sinh chưa học lớp Một, tức là chưa biết gì về ngữ âm tiếng Anh nhưng đã bị nhồi nhét ngữ nghĩa và ngữ pháp. Chưa nắm vững ngữ âm, ngữ pháp nhưng cứ học là kêu chán trong khi rất muốn thành thạo nghe, nói, đọc và viết. Học không bài bản theo một lộ trình khoa học dẫn tới mất gốc, học đi học lại nhiều lần vẫn không đâu vào đâu, không biết mình đang ngồi ở Lớp nào.
Làm sao để đổi mới cách học Tiếng Anh?
-
Người dạy: Cần thức tỉnh chính mình về một lộ trình dạy kiến thức khoa học. Không chạy đua theo nhu cầu thị trường để tạo ra các khóa học chỉ đơn thuần mang tính dạy “kỹ năng” nghe, nói, đọc và viết. Học sinh cần có kiến thức ngôn ngữ nền tảng vững chắc để tự mình giáo dục chính mình, hay còn gọi là tự học. Khi có kiến thức rồi học sinh sẽ có thể tự luyện tập để có kỹ năng. Do đó, chương trình giảng dạy phải nhằm mục tiêu tạo dựng cho học sinh một nền tảng kiến thức và tư duy tự học vững vàng.
-
Phụ huynh & Học sinh: Phụ huynh là người gần gũi với con, quan tâm và yêu thương con nhất. Phụ huynh luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất nhưng trước hết cũng cần phải thức tỉnh bản thân để có năng lực phân định những gì thực sự “tốt đẹp”, thiết thực và giá trị nhất cho con. Ở mỗi giai đoạn, con cần có một chương trình học phù hợp với năng lực tiếp nhận kiến thức của mình. Phụ huynh không nên chạy đua theo thành tích cùng xã hội. Sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của con là điều quan trọng hơn cả.
Khi đã lựa chọn được chương trình học phù hợp cho con, phụ huynh cần có niềm tin ở con, động viên và khích lệ con kiên trì theo đuổi thì con có thể đạt được mọi điều mà con muốn.
Phụ huynh cần giúp con nuôi dưỡng tính kiên trì. Đây là đức tính giúp con thành công không chỉ trong học tập và còn trong hành trình làm việc về sau.
Xét cho cùng, tiếng Anh là chỉ một công cụ trợ giúp cho đời sống thời kỳ hội nhập toàn cầu. Phụ huynh và học sinh không nên quá lao tâm khổ não về chuyện học tiếng Anh. Chỉ nên nhẹ nhàng coi nó như một môn học tiếng Việt vậy.