Phân biệt: Tân ngữ, Bổ ngữ, Trạng ngữ
Có 5 thành phần chính tạo nên một mệnh đề là: Chủ ngữ (subject), Động từ (verb), Tân ngữ (Object), Bổ ngữ (Complement) và Trạng ngữ (Adjunct hoặc Adverbial).
Trong đó, Chủ ngữ và Động từ là 2 thành phần không thể thiếu của mỗi một mệnh đề. Các thành phần Tân ngữ, Bổ ngữ và Trạng ngữ có thể có hoặc không có.
Chủ ngữ và Động từ có quy luật kết hợp với nhau để tạo nên các Thì khác nhau trong tiếng Anh. Đây là 2 thành phần quá quen thuộc với bạn rồi nên trong bài này chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu về 3 thành phần còn lại là Tân ngữ, Bổ ngữ và Trạng ngữ thôi nhé.
1. Tân ngữ (Objects)
Tân ngữ (object) có thể là 1 Danh từ/cụm Danh từ hoặc 1 Đại từ đứng sau Động từ hành động. Động từ hành động là Động từ diễn tả hành động.
Có 2 loại Tân ngữ là Tân ngữ trực tiếp (direct object) và Tân ngữ gián tiếp (indirect object).
- Tân ngữ trực tiếp là người hoặc vật chịu tác động trực tiếp của hành động
- Tân ngữ gián tiếp là người (con vật) chịu tác động từ tân ngữ trực tiếp.
Ví dụ:
They gave her a present when she left.
(Họ đã tặng cô ấy một món quà khi cô ấy rời đi.)
=> “a present" là 1 cụm Danh từ và là Tân ngữ trực tiếp của động từ “gave”; “her” là Tân ngữ gián tiếp.
Nếu 1 mệnh đề có cả 2 loại Tân ngữ thì cần chú ý:
- Nếu Tân ngữ gián tiếp đứng trước Tân ngữ trực tiếp thì không cần Giới từ (to/for) nối 2 Tân ngữ.
- Nếu Tân ngữ gián tiếp đứng sau Tân ngữ trực tiếp thì cần Giới từ (to/for) để nối 2 Tân ngữ.
Ví dụ:
He always gives the class too much homework. = He always gives too much homework to the class.
(Anh ấy luôn giao cả lớp quá nhiều bài tập về nhà = Anh ấy luôn giao quá nhiều bài tập cho cả lớp.)
=> “the class” là Tân ngữ gián tiếp, “too much homework” là Tân ngữ trực tiếp.
I never buy her flowers. She’s allergic to them. = I never buy flowers for her. She’s allergic to them.
(Tôi không bao giờ mua cho cô ấy hoa. Cô ấy dị ứng với chúng. = Tôi không bao giờ mua hoa cho cô ấy. Cô ấy dị ứng với chúng.)
=> “her” là Tân ngữ gián tiếp, “flowers” là tân ngữ trực tiếp.
Khi nào mệnh đề cần có Tân ngữ?
Đó là khi động từ chính là Động từ hành động thuộc loại “transitive verb”. Tại sao? Từ “transitive” là Tính từ có nghĩa là “di chuyển, chuyển tiếp”. “Transitive verb” hiểu nôm na là “động từ chuyển tiếp” sự tác động lên Tân ngữ. Do đó, sau một "transitive verb" sẽ cần một Tân ngữ chịu tác động của hành động.
Ví dụ:
I can’t find her name on the list.
(Tôi không thể tìm thấy tên cô ấy trong danh sách.)
=> Động từ "find" là một "transitive verb" có tân ngữ là "her name".
Suzanne took my car keys.
(Suzanne đã cầm chìa khóa ô tô của tôi.)
=> Động từ "took" là một "transitive verb" có tân ngữ là "my car keys".
Trái lại, nếu mệnh đề có động từ chính là động từ hành động thuộc loại “intransitive verb” thì không có Tân ngữ.
Ví dụ:
Suddenly Joss appeared in the doorway.
(Đột nhiên, Joss đã xuất hiện ở lối cửa vào.)
=> Động từ "appeared" là một "intransitive verb" và câu này không có Tân ngữ.
Did it rain last night?
(Đêm qua trời có mưa không?
=> Động từ "rain" là một "intransitive verb" và câu này không có Tân ngữ.
"Transitive" và "intransitive" có nghĩa trái ngược nhau. Thuật ngữ tiếng Việt tương ứng với "transitive verb" là Ngoại động từ (hoặc Tha động từ). Còn thuật ngữ tiếng Việt tương ứng với "intransitive verb" là Nội động từ (hoặc Tự động từ). Khi hiểu nghĩa của từ "transitive" như giải thích ở trên thì mình thấy tên tiếng Anh dễ hiểu và dễ hơn nhớ tên tiếng Việt.
2. Bổ ngữ (Complements)
Bổ ngữ có thể là Danh từ/cụm Danh từ, Đại từ hoặc Tính từ bổ nghĩa cho Chủ ngữ hoặc Tân ngữ.
Bổ ngữ cho Chủ ngữ (Subject Complement) đứng sau Động từ liên kết như (be, become, seem, …). Động từ liên kết là Động từ diễn tả đặc điểm, trạng thái, tính chất của Chủ ngữ.
Ví dụ:
She is a nurse.
(Cô ấy là một y tá.)
=> "is" là Động từ liên kết, “a nurse” là Bổ ngữ - bổ sung thông tin cho Chủ ngữ “she”.
All of them seemed surprised.
(Tất cả họ có vẻ ngạc nhiên.)
=> "seemed" là Động từ liên kết, “surprised” là Bổ ngữ - bổ sung thông tin cho Chủ ngữ “all of them”.
Bổ ngữ cho Tân ngữ (Object complement) đứng sau Tân ngữ, thường là Tính từ.
Ví dụ:
He makes me very angry.
(Anh ấy khiên tôi rất ngạc nhiên.)
=> "me" là Tân ngữ, “very angry” là Bổ ngữ - bổ sung thông tin cho Tân ngữ “me”.
3. Trạng ngữ (Adjuncts = Adverbials)
Trạng ngữ là 1 từ/cụm từ dùng để bổ sung nghĩa cho mệnh đề thêm rõ ràng. Nếu lược bỏ đi Trạng ngữ thì mệnh đề vẫn đúng về mặt ngữ pháp và vẫn có nghĩa.
Trạng ngữ có thể là 1 Trạng từ, 1 cụm Giới từ (Giới từ + cụm Danh từ).
Ví dụ:
They waited outside for ages.
(Họ đã đợi ở ngoài rất lâu.)
=> Trạng từ “outside” và cụm Giới từ “for ages” là 2 Trạng ngữ.
Suddenly, it started to rain.
(Đột nhiên, trời đã đổ mưa.)
=> Trạng từ “suddenly” là Trạng ngữ.
4. Phân biệt Tân ngữ, Bổ ngữ và Trạng ngữ.
So sánh |
Tân ngữ |
Bổ ngữ |
Trạng ngữ |
Vị trí |
Sau Động từ hành động |
Sau Động từ liên kết hoặc sau Tân ngữ |
Đầu, giữa hoặc cuối câu. |
Chức năng |
Nhận tác động của Động từ |
Bổ sung nghĩa cho Chủ ngữ, Tân ngữ |
Bổ nghĩa cho cả mệnh đề |
Có thể lược bỏ không? |
Không |
Không |
Có |
Chú ý khác biệt giữa Bổ ngữ và Trạng ngữ.
Ví dụ 1: He put some salt in the soup.
=> Cụm từ “in the soup” là 1 Bổ ngữ vì nếu bỏ đi cụm từ này thì mệnh đề “He put some salt” chưa có nghĩa.
Ví dụ 2: He bought some salt in the nearby supermarket.
=> Cụm từ “in the nearby supermarket” là 1 Trạng ngữ vì nếu bỏ đi cụm từ này thì mệnh đề “He bought some salt” vẫn có nghĩa.
Hiểu đúng các khái niệm sẽ giúp bạn học và áp dụng kiến thức ngữ pháp dễ dàng. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc về Tân ngữ, Bổ ngữ và Trạng ngữ. Bạn hãy tập áp dụng vào phân tích câu để cải thiện năng lực ngữ pháp của mình nhé!
Nếu có câu hỏi, bạn hãy comment ở dưới để Stellar hỗ trợ giải đáp!