Cách nói đồng tình với SO, TOO, NEITHER, NOR, EITHER

Khi muốn thể hiện sự đồng tình hoặc bổ sung thông tin giống với ý của câu nói trước đó, chúng ta sử dụng 5 Trạng từ là SO, TOO, NEITHER, NOR và EITHER (- tạm gọi là Trạng từ đồng tình)

Triết lý khi học Ngữ pháp theo Quy luật là hiểu rõ bản chất và nắm rõ quy trình viết câu đúng ngữ pháp. Muốn rõ bản chất thì phải phân tích thật kỹ để hiểu sâu. Khi đã hiểu sâu thì dựa theo quy trình từng bước viết một câu đúng ý mình muốn mà không sai ngữ pháp.

Trước hết chúng ta phân tích để hiểu rõ bản chất 5 Trạng từ này.

1. Đặc điểm câu nói và câu đáp 

Câu nói có 2 dạng là Khẳng định (Positive)Phủ định (Negative). Do đó, câu đáp cũng phải tương ứng với 2 dạng câu nói này. 

Trong câu đáp sẽ có 3 thành phần là: Trạng từ đồng tình, Chủ ngữ và Trợ động từ.

  • Trạng từ sử dụng trong mỗi dạng câu đáp sẽ khác nhau tùy theo dạng của câu nói trước đó.

  • Trợ động từ: Sử dụng lại Trợ động từ ở câu nói trước đó để đảm bảo 2 câu ở cùng Thì (tức cùng thời gian).

Chú ý: Với câu nói ở dạng khẳng định của Thì hiện tại đơn và Thì quá khứ đơn chưa có Trợ động từ thì:

  • Nếu động từ là một dạng của BE thì sử dụng lại dạng đó của BE ở câu đáp như một Trợ động từ.

  • Nếu động từ là KHÁC dạng của “BE” thì sử dụng một dạng của DO ở cùng Thì để làm Trợ động từ trong câu đáp.

2. Trạng từ khẳng định

Khi câu nói đầu ở dạng Khẳng định thì ta sử dụng Trạng từ khẳng định: SO & TOO

SO = TOO = “CŨNG”

  • SO: Đứng đầu câu và làm đảo lộn trật tự thông thường của câu là Chủ ngữ đứng trước Trợ động từ thành Trợ động từ đứng trước Chủ ngữ. Đây là hiện tượng Đảo ngữ trong tiếng Anh.

  • TOO: Đứng cuối câu và không làm thay đổi trật tự thông thường của câu là Chủ ngữ đứng trước Trợ động từ.

3. Trạng từ phủ định

Khi câu nói đầu ở dạng Phủ định thì ta sử dụng Trạng từ phủ định: NEITHER, NOR & NOT EITHER

Ở đây viết rõ là NOT EITHER thay vì chỉ viết EITHER để bạn đỡ nhầm lẫn và mình sẽ giải thích ngay sau đây.

NEITHER = NOR = NOT EITHER = “CŨNG KHÔNG”

  • NEITHER = NOR: 2 từ này thay thế được cho nhau, đứng đầu câu và làm đảo lộn trật tự thông thường của câu là Chủ ngữ đứng trước Trợ động từ thành Trợ động từ đứng trước Chủ ngữ. Đây là hiện tượng Đảo ngữ trong tiếng Anh. Giống như SO ở trên.
    Vì 2 từ này tự chúng đã mang nghĩa phủ định nên trong câu đáp không sử dụng thêm Trạng từ NOT.

  • NOT EITHER: Đứng cuối câu và không làm đảo lộn trật tự thông thường của câu là Chủ ngữ đứng trước Trợ động từ. Vì từ EITHER tự nó chưa mang nghĩa phủ định nên cần sử dụng thêm Trạng từ NOT ở trước.

4. Quy trình viết câu đáp

Khi đã hiểu bản chất của mỗi Trạng từ thì bây giờ chúng ta sẽ có Quy trình để viết câu đáp đúng ngữ pháp.

Bước 1: Xác định Trạng từ đồng tình

  • Nếu câu nói đầu là dạng Khẳng định thì sử dụng 2 Trạng từ SO hoặc TOO

  • Nếu câu nói đầu là dạng Phủ định thì sử dụng 3 Trạng từ Neither, NOR hoặc NOT EITHER.

Bước 2: Xác định Trợ động từ trong câu nói đầu và viết câu đáp

Ví dụ:

Tình huống 1 (TH1):
A. I am a fan of country music. (Tôi là một fan của nhạc dân gian.)
B. (Viết câu đáp với Chủ ngữ “She” có nghĩa: Cô ấy cũng thế.)

Bước 1: Là câu khẳng định vì không có NOT => Dùng SO hoặc TOO.
Bước 2: Là câu khẳng định Thì hiện tại đơn có Động từ TO BE “am” - dạng 2 => Trợ động từ là dạng 2 của BE (gồm “am”, “is” và “are”). Chủ ngữ “She” đi với “is”.

=> A. I am a fan of country music.
Cách 1: So is she.
Cách 2: She is too.

Tình huống 2 (TH2):
A. My room gets very cold at night. (Phòng của tôi trở nên rất lạnh về đêm.)
B. (Viết câu đáp với Chủ ngữ “Mine” có nghĩa: Phòng của tôi cũng thế.)

Bước 1: Là câu khẳng định vì không có NOT => Dùng SO hoặc TOO.
Bước 2: Là câu khẳng định Thì hiện tại đơn có Động từ “gets” - dạng 2 và “gets” không phải 1 dạng của TO BE. => Trợ động từ là dạng 2 của DO (gồm “do” và “does). Chủ ngữ “Mine” = “My room” là Danh từ số ít đi với “does”.

=> A. My room gets very cold at night.
Cách 1: So does mine.
Cách 2: Mine does too.

Tình huống 3 (TH3):
A. Gerard didn’t like the film. (Gerard đã không thích bộ phim đó.)
B. (Viết câu đáp với Chủ ngữ “I” có nghĩa: Tôi cũng đã không thích.)

Bước 1: Là câu phủ định vì có NOT => Dùng NEITHER, NOR hoặc NOT EITHER.
Bước 2: Là câu phủ định và có Trợ động từ là “did” - dạng 3. Chủ ngữ “I” đi với “did”.

A. Gerard didn’t like the film.
Cách 1: Neither did I.
Cách 2: Nor did I.
Cách 3: I did not either. = I didn’t either.

Như vậy là chúng ta đã phân tích rõ bản chất và cách sử dụng 5 Trạng từ SO, TOO, NEITHER, NOR và (NOT) EITHER trong câu diễn tả sự đồng tình.

Dưới đây là một số câu để bạn thực hành thêm viết câu với Chủ ngữ đã cho nhé:
1. My job is boring. (mine) 
2. I can swim under water. (my bother)
3. Joe didn't play very well and (the others).
4. Bill hasn't phoned yet. (Annie)
5. Ann is very interested in History. (Alice)
6. The soup wasn't very good and (the meat).
7. Joe has just got married. (Eric)
8. This dictionary doesn't show pronunciation. (That one)
9. Peter wants a bicycle for Christmas. (Mary)
10. His parents won't help him. (His friends)

Bài viết cùng danh mục