Tại sao phải học? Học để làm gì?
🌳 Thực học là gốc rễ của mọi cuộc cách mạng giáo dục
Có nhiều cách hiểu về thực học, một trong số đó là mô hình 3 cấp độ thực học: Biết-Sống-Thành / Know-Live-Be.
Nếu tâm niệm rằng, học để vun đắp kiến thức cho bản thân, thì ta đã chạm tới cấp độ đầu tiên của thực học. “Học để BIẾT” (learn to KNOW) - đơn giản là muốn biết cái gì, thì học cái đấy.
Nếu tiếp tục chuyển hóa những hiểu biết đã thu được thành thái độ và hành xử của mình với công việc, với cuộc sống, với mọi người, với xã hội, ta sẽ đạt cấp độ thứ hai, tức “Học để SỐNG” (know to LIVE).
Nếu duy trì thái độ, cách hành xử, cách sống và cách làm ấy trong thời gian đủ dài, những thay đổi có tính chất nhất thời sẽ trở nên bền vững, từ đó định hình bản tính và văn hóa của mình. Nhờ vậy, ta đã trở thành con người khác, sống cuộc đời khác và sẽ có số phận khác, tức là ta đã tự “cải số” cho mình. Đây là cấp độ cao nhất của thực học: “Học để THÀNH” (live to BE), tức là trở thành con người mình mong muốn, sống cuộc đời mình mơ.
Trong một buổi chia sẻ về chủ đề “Bàn về Sự học” với đội ngũ giảng viên và ban lãnh đạo một trường ĐH, một người thầy đã đặt câu hỏi cho tôi: Nếu nói về thực học trong một câu, thì sẽ là gì. Tôi đã xin phép trả lời bằng một câu hỏi khác: Nếu trường ĐH này không cấp bất cứ một tấm bằng nào, thì có ai theo học không? Nếu đáp án là có, thì đó chính là thực học!
Động cơ và mục đích học rất quan trọng. Nói cách khác, muốn dấn thân, đam mê với sự học thì cần hình thành “đạo học” (đích đến và con đường của sự học) cho mình, cho trường, cho nhà, cho nước... Tôi thường chia sẻ, “đạo học” của cá nhân là học để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình (better me), và đây là hành trình trọn đời. Trong đường đời, nếu chẳng may ngã xuống ở đâu thì sẽ mạnh mẽ đứng lên ở đó và tiếp tục cố gắng để “tốt hơn”.
Học không hẳn là để trở thành người tốt (good person) mà để trở thành người tốt hơn (better person). Bởi lẽ, nếu học để trở thành người tốt thì nhiều khi rất áp lực và khó khả thi, nên cũng dễ cảm thấy bất lực, vả lại nếu đã trở thành người tốt rồi thì sẽ ngộ nhận là không cần phải học nữa. Tuy nhiên, nếu đạo học là học để trở thành người tốt hơn, ta sẽ có niềm tin vào bản thân, từ đó ta sẽ tin vào con người, tin vào cuộc sống, và tin rằng ai cũng có thể tốt hơn theo thời gian nhờ thực học. Từ “đạo học”, ta cũng sẽ ngộ ra “đạo sống” (sống để làm gì) và cả “đạo nghề” (làm để làm gì) cho mình.
🌳 “Cách mạng sự học” của mỗi người
Ngày nay, nhiều người thường nói tới những cuộc “cải cách giáo dục” hay “cách mạng giáo dục”, tuy nhiên theo tôi cần quan tâm tới “cách mạng sự học”. Bởi lẽ, bản chất của “cách mạng giáo dục” chính là “cách mạng sự học”, khi mỗi người đều hướng tới “thực học” và học để khai phóng, học để khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. “Cách mạng sự học” là giành lấy quyền được làm ra chính mình bởi ta phải là sản phẩm của chính mình, mỗi cuộc đời là một tác phẩm mà chính mình là tác giả.
Tôi thường nói, cách mạng giáo dục là “của toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta” nên cần rất nhiều nguồn lực của cả quốc gia chung tay. Trong khi đó, “cách mạng sự học” là của riêng mỗi người, là “của tôi, do tôi và vì tôi”, mỗi người nếu muốn đều có thể làm được, không phải lệ thuộc hay xin phép ai cả. Về thời gian, có thể tốn rất nhiều năm mới làm được “cách mạng giáo dục”, nhưng “cách mạng sự học” có thể bắt đầu ngay bây giờ, ngay ngày mai nếu mình đã quyết chí.
“Cách mạng sự học”, có thể kéo theo “cách mạng sự dạy”, bởi dạy tức là giúp người khác học. Khi các thầy cô thay đổi chính mình theo hướng thực học, họ cũng sẽ có cách giúp học sinh của mình tìm đến chân lý ấy. Nhiều người cho rằng đấy chỉ là những lý thuyết bởi giáo dục ở Việt Nam còn nhiều ràng buộc, khuôn mẫu. Tuy nhiên, ở giáo dục phổ thông, người thầy chính là những gì họ dạy. Nếu “sự học” của thầy cô tốt lên, chắc chắn “sự dạy” tốt theo, không chỉ ở trường lớp mà còn ở chính ngôi nhà của mình. Khi nhiều người đã làm được “cách mạng sự học” sẽ hình thành “cách mạng giáo dục” của toàn xã hội dựa trên nền tảng của “thực học”.
🌳 Có thể “làm mướn”, nhưng không thể “học mướn”...
Để hoàn cảnh chi phối hay mình sẽ tạo ra hoàn cảnh nằm ở chính bản thân mình. Mỗi người có thể bắt đầu thực hành thực học bằng quy tắc “2W1H”, viết tắt của các chữ Why (Tại sao), What (Cái gì), How (Như thế nào). Khi đứng trước một đường học nào đó, cần đặt các câu hỏi “Tại sao học và học để làm gì? Học cái gì để đạt được mục tiêu ấy? Và học như thế nào?”
Người học cần tự giải đáp cho mình 3 thắc mắc trên, nếu các câu trả lời thật rõ ràng và liên quan tới sự phát triển của bản thân mới là thực học. Có thể áp dụng nguyên tắc “2W1H” cho 12 năm phổ thông, cho 4 năm ĐH, cũng như cho mọi chương trình và chuyên đề mà mình học. Thầy cô, cha mẹ, cấp trên... chỉ là chất xúc tác cho hành trình TỰ LỰC KHAI PHÓNG của bản thân, chính mình mới là người quyết định sự học của mình.
Tóm lại, người ta có thể “làm mướn”, nhưng không thể “học mướn” hay “sống mướn”. Việc học và sống là phải cho cuộc đời của chính mình. Nói cách khác, nguyên liệu đầu vào của giáo dục là người học, sản phẩm đầu ra của giáo dục là một “người học khác” do mình quyết định chính, còn gia đình, nhà trường và xã hội sẽ đóng vai trò hỗ trợ mình trong hành trình “thực học và khai phóng” này.
- Nhà giáo dục GIẢN TƯ TRUNG