Giải nghĩa Hán-Nôm 8 loại từ trong câu tiếng Anh

“Loại từ” là các nhóm từ khác nhau, được liên kết với nhau nhằm tạo nên một câu hoàn chỉnh. “Loại từ” trong tiếng Anh được gọi là “word class” hoặc “part of speech”. 

Các sách ngữ pháp lâu nay vẫn viết là "từ loại" thay vì "loại từ". Cụm từ “word class” khi dịch sang tiếng Việt là “loại từ” sẽ phù hợp hơn là “từ loại”. Cách dịch khác nhau nhưng đều hướng tới một nội dung nên bạn có thể sử dụng cả 2 cách, miễn là bạn thấy dễ ghi nhớ và dễ hiểu là được.

Mỗi loại từ sẽ có vai trò nhất định ở trong câu và có những Quy luật vị trí chi phối sự kết hợp các loại từ này với nhau. Khi học Ngữ pháp, bạn luôn cần xác định được loại từ của một từ để biết từ đó đang được dùng đúng hay sai về mặt ngữ pháp.

Dưới đây liệt kê 8 loại từ cơ bản được sử dụng để tạo nên vô số câu tiếng Anh. Mỗi loại từ này lại có những cách phân loại nhỏ hơn khác nhau.

1. Danh từ (Noun)

Theo nghĩa Hán - Nôm, “danh” là “tên” nên Danh từ là từ gọi tên người, đồ vật, sự việc, nơi chốn, ý tưởng, hành động.

Ví dụ: pencil (bút chì), cat (con mèo), song (bài hát), city (thành phố), Japan (nước Nhật Bản), teacher (giáo viên), kindness (lòng tốt), …

2. Động từ (Verb)

Theo nghĩa Hán - Nôm, “động” là “hành động” nên Động từ là từ diễn tả hành động, trạng thái hoặc cảm xúc của Chủ ngữ trong câu.

Ví dụ: be (thì, là, ở, đang, bị), act (diễn), fly (bay), like (thích), jump (nhảy), fall (ngã), feel (cảm thấy), can (có thể), walk (đi bộ), ....

3. Tính từ (Adjective)

Theo nghĩa Hán - Nôm, “tính” là “tính chất” nên Tính từ là từ diễn tả tính chất của Danh từ, làm cho Danh từ rõ nghĩa hơn, chính xác và đầy đủ hơn. Tức là, Tính từ dùng để bổ nghĩa cho Danh từ.

Ví dụ: good (tốt, đẹp), big (to, lớn), red (màu đỏ), well (giỏi, tốt), interesting (thú vị), ...

4. Trạng từ (Adverb)

Theo nghĩa Hán - Nôm, “trạng” là “trạng thái, tình trạng” nên Trạng từ là từ diễn tả trạng thái của Động từ, Tính từ hoặc Trạng từ khác. Tức là, Trạng từ dùng để bổ nghĩa cho Động từ, Tính từ hoặc Trạng từ.

Ví dụ: easily (dễ dàng), slowly (chậm rãi), well (tốt, giỏi), happily (vui vẻ), very (rất), really (thực sự), …

5. Giới từ (Preposition)

Theo nghĩa Hán - Nôm, “giới” là “giới thiệu” nên Giới từ là từ giới thiệu Danh từ hoặc Đại từ. Tức là, Giới từ dùng để diễn tả mối tương quan giữa Danh từ hoặc Đại từ với các từ loại khác trong câu. Mối tương quan này thường là về hoàn cảnh, thời gian hoặc vị trí.

Ví dụ: to, at, ago, on, for, …

6. Liên từ (Conjunction)

Theo nghĩa Hán - Nôm, “liên” là “liên kết, kết nối” nên Liên từ là từ dùng để nối các từ (words),  cụm từ (phrases), các mệnh đề (clauses) hoặc các câu (sentences) với nhau.

Ví dụ: and, or, but, so, both…and…, whether…or…

7. Đại từ (Pronoun)

Theo nghĩa Hán - Nôm, “đại” là “đại diện, thay thế” nên Đại từ là từ dùng để thay thế cho Danh từ.

Ví dụ: I (tôi), you (bạn, các bạn), we (chúng tôi, chúng ta), he (anh ấy), she (cô ấy).

8. Thán từ (Interjection)

Theo nghĩa Hán - Nôm, “thán” là “kêu than, khen ngợi” nên “thán từ” là từ diễn tả tình cảm, cảm xúc đột ngột. Đây là các từ thường đứng một mình, thường đi kèm với dấu chấm than (!) và không ảnh hưởng tới Ngữ pháp của câu.

Ví dụ: wow!, ouch!, hello!, hi!, yeah!

Như vậy, khi học Ngữ pháp, chúng ta chỉ chủ yếu quan tâm tới 7 loại từ là Danh từ, Động từ, Tính từ, Trạng từ, Giới từ, Liên từ và Đại từ.

Trước khi kết thúc bài viết này, mình chia sẻ với bạn một điều vô cùng quan trọng cần phải lưu tâm khi học Ngữ pháp. Đó là, một từ có thể được xếp vào nhiều loại từ khác nhau tùy thuộc chức năng ngữ pháp hay vị trí của từ đó trong câu.

Cùng xét các ví dụ sau:

She works well under pressure. (Cô ấy làm việc tốt dưới áp lực.)
=> Từ “well” trong câu này là Trạng từ bổ nghĩa cho Động từ “works”.

I don’t feel very well. (Tôi cảm thấy không khỏe.)
=> Từ “well” trong câu này là Tính từ.

Well, I suppose I could help you just this once. (À, tôi nghĩ là tôi chỉ có thể giúp bạn một lần này thôi.)
=> Từ “well” trong câu này là Thán từ.

There is a well in the backyard. (Có một cái giếng ở sân sau.)
=> Từ “well” trong câu này là Danh từ.

Bạn có đang đặt ra câu hỏi là “làm sao để biết một từ thuộc loại từ nào” không? Câu trả lời là nắm được các Quy luật Ngữ pháp trong 1 câu tiếng Anh.

Bài viết cùng danh mục