Hạnh phúc (happiness) là gì?

Nghe 2 thầy Trương Nguyện Thành và Lê Thẩm Dương đối thoại về hạnh phúc, mình thắc mắc nghĩa của từ “hạnh phúc” trong tiếng Việt và từ “happiness” trong tiếng Anh là gì. Và mình đã phát hiện ra 2 cách hiểu về “hạnh phúc”:

1. Theo từ điển tiếng Anh Britannica, “happiness” (hạnh phúc) là “the state of being happy”, tạm dịch là “trạng thái vui vẻ”. Như vậy, “hạnh phúc” hay “happiness” là từ dùng để diễn tả trạng thái vui vẻ, sung sướng - một trạng thái thuộc về tinh thần. Từ đây mình nghĩ hạnh phúc là một trạng thái tinh thần nên nếu một người có thể kiểm soát tinh thần tốt thì “hạnh phúc trong tầm tay”. Nếu mỗi khoảnh khắc đều có sự nhận biết, vui vẻ với hiện tại thì sẽ có hạnh phúc viên mãn. Các bậc tu hành rời bỏ đời sống thế tục chính là đi theo con đường kiểm soát tinh thần tuyệt đối này. Thầy Thành có nhắc tới triết lý “biết đủ” của Đạo Phật (đồng thời cũng có trong Chủ nghĩa khắc kỷ) nhưng không được mổ xẻ thêm vì sau đó thầy Dương chia sẻ những yếu tố có được hạnh phúc “rõ như ban ngày” theo cách hiểu số 2.

2. Theo từ điển tiếng Việt Soha, “hạnh phúc” là “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Theo định nghĩa này thì hạnh phúc cũng là một trạng thái sung sướng của tinh thần nhưng có được nhờ “hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Như vậy, khởi đầu là “ý nguyện”, là mục tiêu và sau khi “hoàn toàn đạt được” mục tiêu thì tự sẽ có hạnh phúc. Định nghĩa này giống với quan điểm chia sẻ của thầy Dương trong đối thoại.

Mình rút ra một số ý từ chia sẻ của thầy Dương:
- Muốn có hạnh phúc, trước hết phải có mục tiêu.
- Khi đã có mục tiêu thì phải có niềm tin sắt đá là mình sẽ đạt được. Tạo dựng niềm tin bằng cách “tự kỷ ám thị”.
- Trong Chỉ số đo lường hạnh phúc của thế giới HPI (Happy Planet Index) thì ¾ là yếu tố tinh thần, ¼ là yếu tố vật chất. (Mình google thì thấy có 10 khía cạnh để tính ra HPI. Bạn tự google để tìm hiểu thêm nhé)
- 4 hạnh phúc nhỏ tạo nên 1 hạnh phúc lớn, hạnh phúc toàn diện của 1 người gồm Sức khỏe, Tình bạn, Gia đình và Sự nghiệp.
- Một người phải biết nguyên lý đánh đổi hay “chi phí cơ hội” để cân bằng các yếu tố. Nếu quá thiên lệch về 1 yếu tố nào đó thì sẽ không thể có hạnh phúc.
- Về khía cạnh gia đình, có 5 yếu tố tạo thành hạnh phúc trong gia đình gồm Ứng xử, Tài chính, Con cái, Ngoại tình, Tình dục.
- Không thể tìm được người hợp với mình vì mỗi người đều có sự khác biệt, quan trọng là phải biết ứng xử để chấp nhận cái khác biệt trong trao đổi để dần dần hiểu nhau hơn, phát triển mối quan hệ tốt hơn.
- Hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến.

Cuối buổi đối thoại có 1 chi tiết mình thấy thú vị. Thầy Dương nói bản thân thấy hạnh phúc còn thầy Thành bảo bản thân chưa thấy hạnh phúc. Thầy Dương lại nói nhìn thầy Thành như vậy không thể không hạnh phúc và tin là thầy Thành có hạnh phúc. 

Mình nghĩ:
1. Thầy Thành không nói thật.
2. Nếu thầy Thành nói thật thì thầy Dương đang dùng ý chí áp đặt hạnh phúc theo quan điểm của thầy Dương cho thầy Thành.

Đúng là một Video đối thoại rất đáng xem để suy ngẫm về “hạnh phúc”.

Bài viết cùng danh mục