Tại sao cần lặp đi lặp lại khi học?

Một trong những điều hiển nhiên nổi bật của nền giáo dục hiện đại đó là học sinh chỉ học lướt qua 1 lần, hiếm có sự lặp lại thật nhiều. Học sinh tới trường mỗi ngày trong nhiều năm, học một lượng kiến thức nhất định cho tới khi kết thúc đại học thì dừng lại và bắt đầu cuộc sống mới. Khi mà thông tin ngày một nhiều hơn thì học sinh dần dần mất đi nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của sự lặp lại. Một kiến thức không được lặp lại sẽ mau chóng chìm vào lãng quên. Liệu có cơ sở nào cho nhận định này không? Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu 2 quan điểm của Tôn giáo và Khoa học để trả lời cho câu hỏi này.

Quan điểm Tôn giáo

Trước khi nền giáo dục hiện đại phát triển, chương trình giáo dục lớn mạnh nhất đó là tôn giáo. Tôn giáo dạy chúng ta về đạo đức, mục đích và ý nghĩa cuộc sống. Một điều thú vị trong tôn giáo đó là các vị thầy giảng đạo luôn luôn ám ảnh với sự lặp lại. Đối với họ, thật là ngớ ngẩn khi nghĩ rằng học 1 điều gì đó chỉ với 1 lần lướt qua duy nhất.

Toàn bộ nền tảng của giáo dục tôn giáo đó là sự lặp lại. Một tín đồ Hồi giáo cầu nguyện những giáo lý chính của Đạo Hồi 5 lần mỗi ngày. Một thầy tu phải xem lại 1 bài học trong Kinh thánh 7 lần mỗi ngày. Một con chiên Do Thái giáo chính thống phải nhắc lại các nghi lễ, lời răn của kinh Koran trong 300 ngày mỗi năm. Còn một thiền giả phải thực hành thiền định 12 lần mỗi ngày, từ sáng tới khuya.

Trong tôn giáo có 1 thuật ngữ gọi là “Màng lọc thủng của tâm trí”. Khi thứ gì đó dội vào tâm trí thì nó nhanh chóng xuyên qua màng lọc này và mất đi. Trong khi đó, quan điểm của nền giáo dục hiện đại cho rằng tâm trí giống như 1 cái thùng chứa nước nguyên vẹn. Mọi thông tin, dữ kiện đi vào tâm trí sẽ ở mãi trong đó suốt đời. Đó là lí do tại sao chúng ta nghĩ không có gì tha thiết để cho rằng 1 cuốn sách là sở thích của mình và chỉ đọc nó 1 lần duy nhất. Tôn giáo có xu hướng cho rằng mọi điều bạn nói với ai đó vào buổi sáng thì tới 2h chiều mọi thứ đã mờ nhạt và cho tới nửa đêm thì hoàn toàn tan biến. Với họ, lặp lại là phương thức duy nhất giúp gắn chặt kiến thức vào tâm trí.

Quan điểm Khoa học

Ở đây, ta sẽ xét theo nhận định của khoa học về não bộ và chuyên ngành Phân tâm học. Theo lý thuyết của Tiến sĩ Sigmund Freud, tâm trí con người được chia thành 3 phần là Ý thức, Tiền ý thức và Vô thức.

  • Ý thức (Concious Mind) là suy nghĩ, cảm giác hiện hữu về những sự vật, sự việc đang diễn ra. Nói một cách ví von, ý thức là thì hiện tại, miêu tả hoạt động đang diễn ra trong não bộ của 1 cá nhân nào đó. Bạn đang tập trung suy nghĩ về vấn đề gì? Bạn đang cảm thấy như thế nào? Đấy chính là ý thức. Suy nghĩ và nhận thức thuộc về phần Ý thức.
  • Tiền ý thức (Preconcious Mind) là phần trung gian giữa phần Ý thức và phần Vô thức. Tiềm thức là phần tâm trí lưu trữ thông tin, kiến thức cần thiết mà Ý thức có thể mau chóng tiếp cận đến.
  • Vô thức (Uncouncious Mind) là phần chìm sâu dưới đáy của tâm trí. Đây là phần chứa đựng những ẩn ức, mong muốn sâu xa của con người.

Chúng ta sẽ gọi chung phần Tiền ý thức (Preconcious Mind) và Vô thức (Uncouncious Mind) là Tiềm thức (Subconcious Mind).Ngày nay, người ta cho rằng 95% thời gian mỗi ngày, hoạt động của con người là “phi lý trí” do phần Tiềm thức điều khiển.

Theo Tiến sĩ Bruce Lipton, một đứa trẻ khi mới ra đời giống như một chiếc máy tính với bộ nhớ trống rỗng, không có chương trình gì. Trong thời gian 7 năm đầu đời, đứa trẻ hấp thu hành vi nhờ vào quan sát người thân và cộng đồng xung quanh. Theo cách này, một đứa trẻ sẽ học được tất cả hành vi cần thiết để trở thành một thành viên của gia đình và xã hội. Quá trình hấp thu giống như qua trình thôi miên, từ từ ghi lại mọi hành vi mà trẻ quan sát được vào vùng Tiềm thức của tâm trí. Những hành vi này sẽ quyết định nên tính cách của đứa trẻ trong suốt phần đời còn lại.

Theo đó, Tiềm thức là phần tâm trí được lập trình, được tạo dựng nên theo thời gian, tức là do thói quen tích tụ thành.

Hành vi con người chủ yếu được điều khiển bởi phần Tiềm thức chứ không phải là Ý thức. Để thay đổi hành vi, chúng ta cần phải thay đổi lập trình cho phần Tiềm thức của tâm trí. Việc thay đổi đó xảy ra khi ta thay đổi thói quen. Thói quen là sự lặp đi lặp lại một hành vi theo thời gian. Do đó, thói quen mới sẽ hình thành khi ta lặp đi lặp lại một hành vi mới. Và khi thói quen mới hình thành, tâm trí ta đã thay đổi.

Kết luận: Cần lặp đi lặp lại một kiến thức, một bài học trong một thời gian dài đủ để kiến thức đó, bài học đó ngấm sâu vào Tiềm thức. Khi đó, kiến thức mới thực sự là của ta.

Bài viết cùng danh mục