Sách: Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương

Đây là tựa đề cuốn sách kể về câu chuyện giáo dục con của một người mẹ đơn thân Do Thái. Bà lấy chồng, sinh con ở Trung Quốc nhưng cuộc sống gia đình không được suôn sẻ, như ý. Cuối cùng, bà ly hôn chồng và trở về cố quốc Israel cùng 3 đứa con nhỏ.

Với nền tảng giáo dục gia đình truyền thống của người Do Thái được truyền lại từ người cha của mình, bà luôn có ý thức phải nuôi dạy các con nên người. Hồi đầu khi trở về Israel bà vẫn bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong nuôi dạy con là cha mẹ làm tất cả còn con cái chỉ cần học hành, không phải làm bất kỳ việc gì dù là việc nhà nhỏ nhặt nhất. Sau một lần nói chuyện với người hàng xóm bà nhận ra sai lầm trong nhận thức về quan điểm giáo dục đó. Người hàng xóm đã cho bà và các con bà thấy một sự thật rằng: “những việc nhỏ nhặt như tự vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, quét rọn nhà cửa, nấu cơm, rửa bát,… mà không làm được thì học giỏi cũng chưa chắc đã sinh tồn được.

Từ đó, bà đọc thêm nhiều sách về giáo dục trẻ để áp dụng vào nuôi dạy 3 người con của mình. Sau này, họ đều trở thành những con người tự lập, giàu có và hạnh phúc. Khi cả 3 người con của bà đều đã thành công, có nghề nghiệp như mong ước với thu nhập cao và có gia đình riêng, bà đã viết lại câu chuyện nuôi dạy con của mình để chia sẻ với các bậc cha mẹ toàn thế giới.

Dưới đây là một số nguyên tắc nuôi dạy con được nhắc đến trong cuốn sách rất ý nghĩa này:

- Giáo dục phải bắt đầu từ sớm, càng sớm càng tốt, không nên có suy nghĩ đợi con lớn lên mới dạy, khi đó sẽ quá muộn vì trẻ đã hình thành thói quen, nhân cách riêng rất khó sửa hoặc không thể sửa được nữa.

- Giáo dục kiến thức, kỹ năng sinh tồn là quan trọng nhất. Kiến thức không dùng tới trong cuộc sống của chính mình thì đều là vô dụng với mình nên nó không cần thiết. Do vậy, hãy học những kiến thức thực sự cần thiết cho phát triển bản thân, cho công việc tương lai của mình.

- Giáo dục bắt đầu từ tư duy của cha mẹ, không phải từ con cái. Cha mẹ có suy nghĩ và định hướng đúng thì mới nuôi dạy con có nhân cách và trí tuệ. Con trẻ ngoan hay hư, lớn lên thành công hay thất bại, có ý chí hay nhụt chí phần nhiều ảnh hưởng từ sự nuôi dạy của cha mẹ mà nên.

- Giúp con trẻ biết yêu thương trong sự rèn kỉ luật, khuôn phép từ khi còn nhỏ. Hãy cho trẻ thấy được công việc hằng ngày của cha mẹ để trẻ thấu cảm những nỗ lực, vất vả của cha mẹ. 

- Hướng dẫn con trẻ làm việc nhà để con biết giá trị của lao động, hiểu được nguyên tắc “có làm có hưởng”. Cho con thấy sự thật cuộc sống không phải luôn luôn thuận lợi. Do đó, con nên biết chấp nhận, có thái độ phù hợp và ý chí vượt qua nghịch cảnh. Để con tập sống tự lập từ sớm không phải cha mẹ tàn nhẫn mà chính là cha mẹ đang thương con, vì tương lai tự lập và tự do của con.

- Dạy cho con trẻ kiến thức về tiền bạc để con có nhận thức đúng về việc kiếm tiền, tiết kiệm, tiêu tiền và đầu tư. Giàu có chưa chắc đảm bảo hạnh phúc nhưng nghèo đói thì chắc chắn sẽ bất hạnh. Giáo dục phổ thông thường bỏ qua kiến thức vô cùng thiết thực này. Do đó, cha mẹ nên chủ động học hỏi và dạy trẻ càng sớm càng tốt.

- Cha mẹ là tấm gương cho con, là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong lòng con. Ví dụ, nếu cha mẹ muốn con đọc sách thì cha mẹ cũng phải đọc sách. Ban đầu đọc cùng trẻ, dần dần trẻ sẽ hình thành thói quen tự đọc mà không cần cha mẹ thúc giục. Cha mẹ muốn con biết yêu thương thì cha mẹ phải có hành động và việc làm yêu thương để trẻ noi theo. Nói gọn lại, cha mẹ muốn con trở thành người như nào thì bản thân cha mẹ phải trở thành người như thế trước.

Cha mẹ nào cũng thương con nhưng thương như nào mới là quan trọng. Những triết lý về dạy con trong “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” đã làm thức tỉnh rất nhiều cha mẹ trên thế giới. Sự nuông chiều có thể làm con vui nhất thời nhưng sẽ vô cùng tai hại về sau. Sự nghiêm khắc đối với con là cần thiết cho tương lai tự lập của con. Đó là sự “tàn nhẫn” nhưng đong đầy yêu thương.

Bài viết cùng danh mục